Vòng đời nhân viên được xem là hành trình của nhân viên kể từ thời điểm trước cả khi tuyển dụng và sau đó họ bắt đầu làm việc cho một doanh nghiệp. Do đó, vòng đời nhân viên (employee lifecycle) với 6 giai đoạn cơ bản được dùng để theo dõi toàn bộ quá trình làm việc, phát triển của nhân viên tại doanh nghiệp đó. Việc thấu hiểu và biết cách tối ưu vòng đời nhân viên và những tác động của nó là điều cần thiết đối với mỗi nhà quản trị nhân sự.

I/ Mục đích của mô hình vòng đời nhân viên

Mô hình này giúp doanh nghiệp hiểu được giá trịsự đóng góp của nhân viên. Và khi nắm bắt được cách tương tác với nhân viên ở từng giai đoạn, doanh nghiệp sẽ có thể giữ chânphát triển những ứng viên phù hợp nhằm thúc đẩy hiệu suất chung, giúp công ty tăng trưởng nhanh hơn. 

Ý nghĩa cốt lõi của mô hình vòng đời của nhân viên là trải nghiệm của nhân viên cũng quan trọng như trải nghiệm của khách hàng. Vì vậy, bên cạnh việc phát triển nhân tài, vòng đời nhân viên cũng rất hữu ích trong việc thu hút, tuyển dụng và tối ưu trải nghiệm của nhân viên đối với doanh nghiệp. Không chỉ vậy, đây còn là một nhân tố quan trọng giúp công ty quảng bá thương hiệu nhà tuyển dụng của mình.

II/ 6 giai đoạn của vòng đời nhân viên

Doanh nghiệp cần lắng nghe nhân viên của mình ở mỗi giai đoạn trong quá trình làm việc, xác định điều gì là mối quan tâm của nhân viên, từ đó làm cơ sở để tối ưu những trải nghiệm cho nội bộ doanh nghiệp. Sau đây là 6 giai đoạn trong hành trình trải nghiệm nhân viên mà các doanh nghiệp cần lưu ý.

1/ Thu hút (Attraction)

Đây là giai đoạn bắt đầu từ trước khi nhân viên nộp đơn vào doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp phải thu hút được sự quan tâm của ứng viên trước thì họ mới có hứng thú tìm hiểu và ứng tuyển vào doanh nghiệp. Để chiêu mộ những nhân viên giỏi giúp phát triển công ty, bạn cần phải có một chiến lược thu hút nhân tài hấp dẫn như xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng trên thị trường; cung cấp các phúc lợi và lương thưởng cạnh tranh cho nhân viên; thúc đẩy văn hóa công ty và môi trường làm việc lành mạnh. 

2/ Tuyển dụng (Recruitment)

Tuyển dụng là điểm chạm hữu hình đầu tiên giữa doanh nghiệp để tiếp cận với những ứng viên tiềm năng nhằm tuyển chọn được những nhân tài phù hợp với sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp. Để gây ấn tượng tốt với các ứng viên, doanh nghiệp cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về thời gian tuyển dụng, chi phí, tỷ lệ thành công và chất lượng của việc tuyển dụng. Ngoài ra, bắt đầu với bản mô tả công việc rõ ràng và thống nhất sẽ giúp việc xác định rõ những kỳ vọng dễ dàng hơn và tránh làm mất thời gian cho cả hai bên.

3/ Hội nhập (Onboarding)

Quá trình hội nhập của nhân viên mới thường bị bỏ qua nhưng thực tế lại rất quan trọng và là một giai đoạn không thể thiếu trong vòng đời công việc của nhân viên. Lúc này, nhà quản trị phải đảm bảo được rằng mình đã chia sẻ đầy đủ thông tin về mục tiêu, giá trị và tầm nhìn của doanh nghiệp. Và họ cần khoảng thời gian nhất định để làm quen với hệ thống, công cụ và quy trình làm việc. Quá trình hội nhập của nhân viên mới nhanh chóng và hiệu quả cũng trở thành động lực làm việc cho họ và tạo ra sự kết nối lâu dài hơn.  

4/ Phát triển (Development)

Đây là giai đoạn nhân viên bắt đầu phát huy năng lựcmang tới giá trị cho công ty. Vì vậy, để nhân viên phát triển tốt nhất, doanh nghiệp không chỉ cần  đào tạo sâu về chuyên môn, mà còn nên hỗ trợ về kỹ năng mềm, kỹ năng nghiệp vụ,…để nhân viên có thể hoàn thành tốt hơn vai trò của mình và tiến thêm bước nữa trong hành trình sự nghiệp. 

5/ Giữ chân (Retention)

Đây là thời điểm nhân viên đã hoàn toàn hòa nhập với môi trường làm việc và có sự phát triển nhất định trong công việc, cũng như nhiều vấn đề liên quan đến công ty sẽ trở nên rõ ràng hơn trong nhận thức của họ. Thế nên, các nhà quản lý cần lên chiến lược giữ chân nhân viên một cách bài bản nhằm giúp nhân viên tiếp tục thể hiện khả năng, phát triển bản thânđóng góp cho thành công của công ty. 

6/ Tách biệt (Separation)

Khi nhân viên bước đến giai đoạn rời bỏ doanh nghiệp cũng là lúc vòng đời nhân viên kết thúc. Sự tách biệt và thay đổi này có thể xảy ra dưới nhiều hình thức như nhu cầu thay đổi nghề nghiệp, nghỉ hưu, rời đi vì lý do cá nhân hoặc bị sa thải. Dù lý do rời đi là gì, doanh nghiệp vẫn phải đem lại trải nghiệm tích cực ở giai đoạn cuối cùng này và biết được lý do nhân việc quyết định nghỉ việc sẽ giúp cải thiện trải nghiệm nhân sự của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại và tương lai.

Để một nhân viên trung thành và gắn bó với công ty, không đơn thuần chỉ là mức thu nhập mỗi tháng của họ là bao nhiêu. Bên cạnh mức lương, trải nghiệm trong suốt vòng đời nhân viên chính là sợi dây gắn kết người lao động với doanh nghiệp và công việc hàng ngày của họ. 

Xem thêm: 5 xu hướng HR năm 2023

Xem thêm: 5 gợi ý khen thưởng nhân viên

Xem thêm: EPA – HR cần chuẩn bị gì cho buổi đánh giá thành tích nhân viên?

Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!