Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến thuật ngữ Gaslighting hay còn gọi là thao túng tâm lý trong tình cảm hoặc tình bạn. Vậy bạn có biết về hiện tượng thao túng tâm lý nói công sở hay chưa? Điều này tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần mỗi người vì đó là nơi bạn dành ra 8 tiếng một ngày để làm việc, tiếp xúc, trò chuyện và thu nhận thông tin. 

I/ Định nghĩa của thuật ngữ thao túng tâm lý

Thao túng tâm lý (Gaslighting) là một thủ thuật xuất hiện trong các mối quan hệ lạm dụng mà người thao túng khiến nạn nhân tự vấn bản thân, nghi ngờ về chính nhận thức cũng như cảm nhận trước đó của họ, từ đó điều hướng suy nghĩ và hành động theo mong muốn của người thao túng. 

Thao túng tâm lý thường xuất hiện trong các mối quan hệ thân mật như giữa bạn bè, người thân, hay người yêu. Tuy nhiên, thao túng tâm lý cũng xảy ra ở môi trường công sở, giữa sếp và nhân viên hay giữa các đồng nghiệp với nhau. Nạn nhân sẽ không nhận thức được mình đang bị thao túng mà cho rằng những hành động, lời nói gây tổn thương ấy xuất phát từ thiện chí muốn đóng góp ý kiến mang tính xây dựng của người đối diện và vấn đề hoàn toàn thuộc về bản thân mình. Hậu quả là tinh thần không ngừng suy sụpbị tổn thương, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc và đời sống cá nhân.

II/ Những dấu hiệu thao túng tâm lý nơi công sở

Phủ nhận sự cố gắng của bạn

Thay vì chúc mừng hay cổ vũ những thành tựu và cố gắng của bạn, những kẻ thao túng tâm lý thường luôn tìm lý do để phủ nhận những đóng góp cũng như nỗ lực của bạn. Những hành động như vậy cho thấy sự ganh tị và bảo vệ cái tôi của họ. Kết quả không những con đường thăng tiến trì trệ mà sự tự tin vào năng lực cá nhân của họ cũng giảm sút đáng kể.

Bị chê trách vô căn cứ

Hãy cảnh giác vì sẽ có thể bạn sẽ thường xuyên bị nhắc nhở về những điểm yếu và thiếu sót của bản thân một cách vô căn cứ. Những nhận xét này không mang tính đóng góp, xây dựng mà chỉ để tấn công bạn ở mức độ cá nhân. Khi nghe những câu nói như vậy, một số người sẽ rơi vào cảm giác áy náy, tội lỗi và mất sự tự tin. Đối tượng thao túng có thể dễ dàng đẩy trách nhiệm cho bạn và dễ dàng lợi dụng bạn cho những mục đích riêng của mình.

Bị chế giễu cạnh khoé thường xuyên

Hành vi thao túng tâm lý cũng có thể thực hiện thông qua những lời chế nhạo và họ xem đó là những câu nói đùa vô thưởng vô phạt. Hành động này khiến bạn cảm thấy tự ti với những khuyết điểm của mình. Mọi hành động dù là nhỏ nhất của bạn cũng trở thành đề tài trong câu chuyện châm biếm của họ.

Bị đối xử bất công

Bạn sẽ luôn bị đem ra so sánh với đồng nghiệp mặc dù thành tích của bạn rất đáng kể. Tuy nhiên, khi bạn chất vấn với người thao túng, họ sẽ luôn dẫn dắt bạn theo một hướng khác và làm bạn nghi ngờ năng lực của bản thân mình.

III/ Cách xử lý khi trở thành nạn nhân của thao túng tâm lý nơi công sở

Có 2 điều quan trọng khi bạn phát hiện ra bản thân bị thao túng tâm lý:

Tách mình ra khỏi câu chuyện: Hãy tách mình khỏi kẻ thao túng, và lùi lại một bước khỏi câu chuyện người kia đang cố vẽ ra cho bạn. Nhìn vào câu chuyện đó, lược bỏ những thông tin “nhiễu”, xâu chuỗi lại và điền vào những khoảng trống bằng dữ kiện của riêng mình. Đừng đè nén suy nghĩ thực sự của bạn. Xét cho cùng, đâu mới là điều bạn thực sự mong muốn, đâu là điều bạn đã được “mớm” cho? Điều này giúp người thao túng và tập trung lắng nghe bản thân và tìm ra đâu mới là điều thật nhất, phản ánh chân thật năng lực của mình.

Tham khảo góc nhìn của người thứ ba: Khi đã bị thao túng quá lâu và việc soi chiếu bản thân trở nên khó khăn, bạn luôn có thể tham khảo một góc nhìn từ một người ngoài câu chuyện. Hãy tìm đến những người đồng nghiệp bạn tin tưởng và đủ thoải mái để chia sẻ. Một ánh mắt khách quan sẽ giúp bạn tỉnh táo bước qua những nỗi bận tâm mà người thao túng bạn tạo ra, giúp bạn chọn điều tốt nhất, lành mạnh nhất cho mình.

Gaslighting trong bất kỳ hình thức nào đều là hành vi phá hoại và ăn mòn. Trong môi trường làm việc, đó là trò chơi quyền lực và kẻ thao túng sẽ khiến nạn nhân cảm thấy bối rối, yếu đuối và bất lực. Vì vậy, mỗi chúng ta cần phải ý thức để bảo vệ chính mình trước những “con dao vô hình”.

Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!

Xem thêm: 4 Kỹ năng Networking hiệu quả

Xem thêm: Kỹ năng giao tiếp Phần 1

Xem thêm: Comfort Zone – Khi nào bạn cần nhảy khỏi vùng an toàn