Việc xác minh thông tin ứng viên (“reference check”) đang ngày trở nên phổ biến tại Việt Nam nhưng rất nhiều các bạn trẻ vẫn không rõ thủ tục này. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quy trình và cho bạn những lời khuyên bổ ích giúp bạn vượt qua thủ tục này một cách dễ dàng.

Vậy xác minh thông tin ứng viên là gì?

Kiểm tra thông tin của ứng viên là khi nhà tuyển dụng tương lai liên hệ công ty cũ của bạn hoặc là tham khảo các nguồn liên quan khác để xác nhận những thông tin bạn đã cung cấp trong quá trình ứng tuyển. Đây là cơ hội cho nhà tuyển dụng hiểu thêm về lịch sử và thái độ làm việc của bạn.

Thông thường, bạn sẽ được yêu cầu cung cấp nhiều lắm là thông tin liên lạc của ba người. Những người này được gọi là người chứng thực thông tin (‘referee’). Đây là một thủ tục rất phổ biến đặc biệt với công ty nước ngoài khi họ tiến hành thuê nhân viên mới. Công ty có thể liên hệ một hoặc nhiều hơn số người chứng thực thông tin mà bạn đã cung cấp.

Bạn nên để tên ai vào danh sách người chứng thực?

Bạn lúc nào cũng phải chọn lọc về danh sách người chứng thực thông tin. Điểm mấu chốt ở đây là người này phải biết rõ kỹ năng, thái độ làm việc của bạn và sẽ cho những đánh giá tốt về bạn.

Bạn cần phải giữ tính chuyên nghiệp cho danh sách này. Họ nên là những quản lý hoặc đồng nghiệp cũ của bạn. Họ phải là người hiểu bạn là người như thế nào khi làm việc cùng. Tất nhiên, đôi khi sẽ rất khó cho bạn để cung cấp danh sách này nếu bạn mới bắt đầu đi làm. Trong trường hợp này, bạn có thể xem xét đưa tên giáo viên hoặc người hướng dẫn của mình.

Lưu ý rằng, bạn không cần phải để sẵn danh sách người xác thực trong đơn xin việc của mình. Tuy rằng sẽ tiện hơn cho nhà tuyển dụng khi họ có sẵn danh sách nhưng đôi khi điều này không có lợi cho bạn. Ví dụ, bạn có thể nộp đơn xin nhiều công việc một lúc và nhiều nhà tuyển dụng sẽ chủ động liên hệ người xác nhận thông tin mà không báo trước cho bạn. Chính ví thế, để bạn chuẩn bị tốt hơn và để không làm phiền người xác thực quá nhiều, bạn có thể đề rằng “Thông tin người xác thực thông tin sẽ được cung cấp nếu có yêu cầu”. Điều này hoàn toàn bình thường và chấp nhận được.

Những câu hỏi thường gặp trong quá trình xác minh thông tin?

Nhà tuyển dụng tương lai có thể hỏi người xác thực thông tin một loạt các câu hỏi như sau:

  • Lí do bạn rời công ty cũ hoặc tại sao bạn tìm kiếm cơ hội việc làm mới?
  • Cảm giác và nhận xét của họ khi làm việc với bạn?
  • Họ có vấn đề gì khi làm việc với bạn hay không?
  • Nếu có thể, họ có muốn thuê bạn lại hay không?

Nhà tuyển dụng có thể hỏi nhiều câu hỏi khác nữa với mục đích xác nhận những điều bạn đã đề cập với họ. Ngoài ra, những câu hỏi này sẽ giúp họ đánh giá được xem rằng bạn có phù hợp với vị trí bạn đang ứng tuyển hay không và nếu bạn đã luôn thành thật trong quá trình ứng tuyển.

Bạn nên làm gì để có kết quả tốt cho quá trình xác minh thông tin?

Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn chuẩn bị tốt nhất cho thủ tục xác minh thông tin này khi xin việc.

Thứ nhất, luôn luôn kết thúc với tất cả các công ty một cách êm đẹp. Tất nhiên sẽ luôn luôn có những mâu thuẫn trong công việc, nhưng bạn nên xử lý với một sự chính chắn và với một tầm nhìn xa hơn. Nếu bạn nghỉ việc vì bạn không hài lòng với công việc, bạn nên trình bày rõ ràng và hợp lý với công ty hiện tại, thông báo và theo đúng quy định thời hạn báo nghỉ, hoàn thành việc bàn giao công việc và sẵn sàng hỗ trợ họ khi cần cần. Không nên nói xấu công ty khi bạn nghỉ việc vì sẽ khó cho bạn sau này khi nhà tuyển dụng tương lai làm xác minh thông tin.

Thứ hai, bạn cần giữ liên lạc với đồng nghiệp và sếp cũ. Việc này tốn thời gian và năng lượng, nhưng lâu lâu bạn nên gửi họ một tin nhắn, đi chơi với họ hoặc đơn giản là ghi nhớ lịch và gửi tin nhắn chúc mừng sinh nhật. Vì một ngày nào đó, bạn có thể sẽ cần hỗ trợ của họ và bạn cần họ nhớ bạn là ai.

Thứ ba, bạn nên nói chuyện trước với người xác thực thông tin trước khi bạn cung cấp thông tin liên lạc của họ cho nhà tuyển dụng. Bạn nên hỏi xin phép xem họ có muốn làm người xác thực cho bạn hay không. Bạn nên chia sẻ với họ một chút về công việc và công ty bạn đang xin vào làm. Nếu bạn được thông báo thời gian nhà tuyển dụng sẽ gọi cho người xác thực thì bạn cũng nên cho họ biết. Rất nhiều người không biết xác nhận thông tin ứng viên là gì nên nếu cần, hãy dành thời gian giải thích để họ hiểu hơn. Bạn không nên bao giờ yêu cầu họ nói dối nhưng bạn có thể chia sẻ với họ công việc này quan trọng với bạn như thế nào để họ có thể chuẩn bị tốt hơn cho cuộc gọi.

Cuối cùng, hãy gửi lời cảm ơn tới người xác thực thông tin. Dù bạn có nhận được công việc hay không không quan trọng, bạn luôn cần gửi lời hỏi thăm và cảm ơn vì họ đã dành thời gian để giúp đỡ bạn

Chúc bạn may mắn!

Đừng quên xem qua những bài viết khác và theo dõi những tin tức mới nhất trên Facebook của chúng tôi.