Đừng bất ngờ khi bạn ‘bị’ hỏi các câu hỏi hóc búa khi phỏng vấn với công ty nước ngoài. Dự đoán trước các câu có thể ‘bị’ hỏi và chuẩn bị trước câu trả lời là điều cần thiết.

Một trong những câu hỏi khó thường gặp đó là : “điểm yếu của bạn là gì?”

Chúng tôi sẽ đi sâu hơn vào câu hỏi này và đưa ra một số ví dụ để bạn tham khảo và xây dựng câu trả lời phù hợp cho bản thân.

Làm Sao Trả Lời Câu Hỏi Khó Này Đây?

Không ai hoàn hảo! Chắc chắn ai cũng sẽ có điểm yếu! Cho nên đừng dại dột trả lời rằng bạn không hề có nhược điểm nào nhé!

Nhà tuyển dụng mong muốn xem bạn ít nhất cố gắng xoay sở câu hỏi này. Tóm tắt ý chung:

  1. Hãy biến nhược điểm của mình thành một lợi thế. Chắc bạn biết câu chuyện Thỏ chạy đua với Rùa; Rùa có chậm thật đó, nhưng Rùa đã chiến thắng nhờ vào sự tập trung, kiên nhẫn và quyết tâm của mình.
  2. Hãy trình bày giải pháp bạn đưa ra. Kể cho nhà tuyển dụng nghe bạn đã khắc phục nhược điểm của bản thân như thế nào. Một giải pháp sáng tạo sẽ cho nhà tuyển dụng thấy bạn rất ý thức về bản thân và bạn có tinh thần của một người giải quyết vấn đề.
  3. Hãy đưa nhược điểm vào một ngữ cảnh nhất định. Ví dụ, bạn có thể kể về một điểm yếu mà bạn từng có trong quá khứ hoặc nó chỉ xảy ra trong một hoàn cảnh cụ thế nào đó mà hiện tại thì nó cũng không còn ảnh hưởng gì với cuộc sống và công việc mà bạn đang xin tuyển vào nữa.

Câu Trả Lời Gây Ấn Tượng Với Nhà Tuyển Dụng

Dưới đây là năm ví dụ làm thế nào để nói về nhược điểm của bản thân theo một hướng tích cực. Nhớ nhé, đây chỉ là ví dụ thôi!

  • Tôi là người kỹ tính. Tôi luôn kiểm tra mọi thứ nhiều lần để chắc chắn không có sai sót. Ví dụ, tôi thường đọc email của mình ít nhất ba lần trước khi gửi đi.
    Nhìn tôi có vẻ là người nội tâm ít nói, nhưng thật ra thì tôi chỉ muốn lắng nghe nhiều hơn trước khi đưa ra ý kiến của mình. Tôi muốn mình thật sự hiểu vấn đề trước khi tôi nói.
  • Trước kia rất khó cho tôi làm việc vào buổi sáng. Sau đó thì tôi nhận ra là mình làm việc hiệu quả hơn nếu tôi lên kế hoạch vào cuối ngày hôm trước hoặc là vào đầu tuần. Tôi làm việc tốt hơn khi tôi ý thức được thứ tự và ưu tiên của công việc.
  • Tôi thường rất thẳng tính với đồng nghiệp. Mỗi khi có vấn đề gì, tôi muốn thảo luận và giải quyết ngay. Tôi hiểu lúc đầu thì một số người không thoải mái lắm nhưng thường tôi được lòng mọi người vì tôi rất trung thực. Về lâu về dài, mọi người cũng thoải mái hơn trong việc góp ý hoặc trình bày trực tiếp với tôi nếu họ không hài lòng điều gì đó.
  • Tôi khá căng thẳng khi phải nói chuyện trước đám đông! Tôi biết kỹ năng này rất quan trọng nên vẫn đang cố gắng cải thiện nó. Tôi cố gắng chuẩn bị thật kỹ trước để giảm bớt căng thẳng và lên trước những câu câu hỏi tôi có thể được hỏi.

Tất nhiên, câu trả lời của bạn phải giữ được tính trung thực và đồng nhất với buổi phỏng vấn. Ví dụ, nếu bạn là người hướng ngoại thì bạn không thể nói bạn là người hướng nội! Nhớ hãy luôn trung thực!

Chúc bạn may mắn!