Đôi khi mức lương không quan trọng bằng môi trường làm việc và mối quan hệ với sếp. Quyết định của sếp sẽ là nhiệm vụ bạn phải thực hiện, còn phong cách hành xử của sếp thì luôn có khả năng tác động đến cảm xúc và tinh thần của mọi nhân viên.  Để phòng tránh thiệt hại sớm, cách chủ động nhất đó chính là nhận diện sếp “không thích hợp” ngay vòng phỏng vấn bằng cách quan sát vài chi tiết nhỏ và dấu hiệu nhận biết sau.

1/ Đến trễ nhưng không báo trước cũng như không xin lỗi

Nếu người lãnh đạo đến trễ buổi phỏng vấn nhưng không báo trước, chứng tỏ họ không hề xem trọng thời gian của bạn. Nếu họ gặp trường hợp bất đắc dĩ phải đến muộn không kịp thông báo cho bạn, thì khi gặp mặt họ nên có một lời xin lỗi. Điều này chứng tỏ đây là người biết tôn trọng nhân viên của mình.

Còn nếu họ đã muộn mà khi tới vào thẳng buổi phỏng vấn với thái độ thản nhiên thì không nghi ngờ gì nữa, đó là một dấu hiệu để nhận biết đây là một người sếp không tốt. Đây là kiểu sếp tự cho mình là người có quyền nhất. Họ sẽ nghĩ mình luôn đúng trong mọi việc, hiếm khi chấp nhận góp ý của người khác mà sẵn sàng trừng phạt khi có ai đó chống đối mình.

2/ Đặt những câu hỏi thiếu tế nhị

Một dấu hiệu nhận biết nữa là người quản lý đưa ra quá nhiều câu hỏi không đúng mực không liên quan tới công việc. Nếu bạn tạo được sự hứng thú thì người phỏng vấn có thể trò chuyện một ít về cuộc sống của bạn nhưng sẽ không quá lạc đề. Không đúng mực ở đây là khi họ hỏi xoáy vào tôn giáo, hôn nhân, đời sống riêng tư hay những vấn đề tế nhị. Điều này cho thấy sếp không trang bị kỹ năng phỏng vấn đúng chuẩn và thiếu chuyên nghiệp.

Dấu hiệu này cũng thể hiện họ là người soi mói, ít tôn trọng không gian riêng tư và đôi khi can thiệp quá sâu một cách không cần thiết vào các công việc của nhân viên. 

3/ Không trả lời rõ ràng, minh bạch những thông tin bạn cần biết

Việc người lãnh đạo mập mờ không rõ ràng khi trả lời những câu hỏi về vị trí, công việc bạn sẽ làm trong thời gian sắp tới cho thấy họ không thực sự gắn kết với công việc của mình. Hoặc họ gặp khó khăn khi giải thích cho bạn về tầm nhìn hay văn hóa của công ty là dấu hiệu cho thấy họ chẳng có một chút khái niệm nào về những gì đang diễn ra trong công ty cả. 

Đây là kiểu sếp thích giữ thông tin làm của riêng. Họ chia sẻ tin tức theo cách nhỏ giọt, bắt nhân viên làm việc trong tình trạng thiếu thông tin đối chiếu, tham khảo lẫn cập nhật kết quả. Đáng chú ý hơn, nếu người phỏng vấn có biểu hiện che giấu một số thông tin cơ bản của công ty thì khả năng cao ngay cả công ty bạn đang ứng tuyển cũng không minh bạch.

4/ Thể hiện sự vô tâm qua những câu hỏi

Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ đưa ra những câu hỏi phỏng vấn nhằm thử thách khiến bạn bộc lộ những điểm mạnh, điểm yếu của mình. Còn nếu họ chỉ hỏi những câu hỏi mà họ có thể tự tìm thấy trong CV của bạn, đây là một dấu hiệu cho thấy họ không hề cố gắng tìm ra khả năng thật sự của bạn. 

Đây có khả năng là người sếp không đầu tư nhiều nỗ lực để tìm kiếm kết quả xuất sắc. Họ cũng không buồn bày tỏ chính kiến hay bảo vệ quan điểm của mình. Nhân viên làm việc dưới người quản lý như này sẽ không được quan tâm, bảo vệ và khó có cơ hội phát triển bản thân cũng như sự nghiệp tương lai.

Sếp là một trong số những điều quan trọng nhất khi đi làm. Nhận biết một người sếp tồi ngay trong buổi phỏng vấn có thể giúp không phải “tốn thời gian” vào một công việc mà bạn biết trước sẽ không thể mang lại cho mình một tương lai tốt hơn. 

Xem thêm:5 cách xin nghỉ việc chuyên nghiệp và khéo léo

Xem thêm: Top những điều khiến nhân viên mất động lực

Xem thêm: 5 kỹ năng take-note hiệu quả trong cuộc họp

Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!