Khoảng cách là thứ luôn tồn tại vô hình trong mối quan hệ giữa sếp và nhân viên. Tuy nhiên, những nhà quản trị có thể thu hẹp khoảng cách này thông qua việc giao tiếp để hai bên hiểu nhau hơn. Để nhân viên có cảm hứng và động lực làm việc tốt hơn, sau đây là những vấn đề sếp nên thường xuyên chủ động trao đổi với họ. 

1. Những khó khăn trong công việc

Vì tâm lý sợ sếp và ngại bị đánh giá thấp, nhiều nhân viên có thói quen ôm đồm, giải quyết vấn đề một mình và chịu đựng nhiều căng thẳng trong quá trình làm việc. Điều này có thể dẫn đến làm việc quá sức, căng thẳng tâm lý, làm việc kém hiệu quả. Hãy dành thời gian để trao đổi về các khó khăn mà nhân viên của bạn gặp phải tại nơi làm việc. 

Chủ động hỏi han, chân thành lắng nghe và đưa ra lời khuyên giúp nhân viên của bạn tìm ra giải pháp khi cần thiết. Khi đó, nhân viên có thể sẽ cảm thấy ít áp lực hơn, trân trọng sự giúp đỡ của người quản lý và có động lực cống hiến cho doanh nghiệp hơn nếu họ được quan tâm và lắng nghe.

2. Chia sẻ thành quả và niềm vui trong công việc

Nếu lắng nghe về những khó khăn nhằm giảm thiểu sự tiêu cực của nhân viên, thì việc chia sẻ, hỏi han về các thành quả cùng những niềm vui chung của tập thể lại là “liều thuốc” kích thích năng suất làm việc của nhân viên thậm chí là cả nhóm. Cuộc trò chuyện về những điều tích cực sẽ không những có ích cho nhân viên, mà còn cải thiện tâm trạng của chính bạn.

Thỉnh thoảng, bạn nên nhắc lại những thành tích mà từng cá nhân, hoặc cả tập thể đã cùng nhau phấn đấu đạt được. Điều này thể hiện là sự ghi nhận, tạo động lực và cũng như là một lời nhắn nhủ với họ rằng hãy tiếp tục nỗ lực hơn nữa để gặt hái những kết quả tốt đẹp trong tương lai.

3. Tiến độ công việc và những kế hoạch tương lai

Trong một dự án, chỉ cần một cá nhân gặp trục trặc sẽ ảnh hưởng đến kết quả của cả tập thể. Vì vậy, hãy luôn bám sát tình hình, tiến độ làm việc của cấp dưới là điều cần thiết để hạn chế tối đa những bất ngờ ngoài dự kiến. Ngoài ra, sự đôn đốc và quan tâm sát sao của bạn cũng khiến nhân viên cẩn thận và giữ vững tinh thần làm việc hơn.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên chia sẻ công khai các kế hoạch, thường xuyên thảo luận rõ ràng về định hướng của đội nhóm cùng những thay đổi sắp tới. Điều này giúp nhân viên hiểu rõ hơn về phương hướng, nhiệm vụ phải làm để có sự chuẩn bị cũng như phát triển phù hợp nhất.

4. Những sáng kiến tích cực từ nhân viên

Dù bạn là quản lý giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao thì vẫn sẽ có những thiếu sót nhất định. Vì vậy, đừng to ra quá “độc đoán” mà hãy có thái độ cầu thị, khuyến khích nhân viên đưa ra các ý tưởng. Mỗi người đều sẽ có các cách nhìn nhận, quan điểm riêng trong công việc khác nhau. Các sáng tạo mới mẻ của cấp dưới sẽ cho bạn thêm góc nhìn mới, hỗ trợ công việc đồng thời cải thiện mối quan hệ đôi bên.

5. Suy nghĩ của nhân viên về đồng nghiệp

Đoàn kết là yếu tố quan trọng của sự thành công. Vì được tạo nên từ sức mạnh tập thể, nên chỉ cần một vài cá nhân thiếu đồng lòng thì sẽ khó đạt được kết quả tốt nhất. Đã có rất nhiều trường hợp nhân viên vì cả nể đồng nghiệp nên “giả lơ” trước sai sót, hoặc không dám lên tiếng để ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của cả tập thể.

Ở cương vị một người sếp, bạn nên thăm dò suy nghĩ của nhân viên về đồng nghiệp xung quanh. Điều này sẽ giúp bạn hiểu thêm về mối quan hệ giữa các nhân viên, biết các vướng mắc của tập thể. Tuy nhiên, đây là chuyện khá tế nhị nên bạn cần khéo léo khi bắt đầu chủ đề và nên có chừng mực, khách quan để hạn chế hiểu lầm, tránh tạo cơ hội cho những đồng nghiệp “đấu tố” lẫn nhau.

6. Nguyện vọng của từng cá nhân

Cuối cùng, bạn hãy lắng nghe nguyện vọng của từng nhân viên. Trên thực tế, bất kì ai sau khoảng thời gian cống hiến thì đều có mong muốn thay đổi, phát triển khác nhau. Đây là điều tất yếu theo sự phát triển từng ngày của doanh nghiệp. Hãy hỏi nhân viên của mình về nguyện vọng, kế hoạch phát triển nghề nghiệp của bản thân và nghiêm túc xem xét dựa theo năng lực của họ, tình hình chung của công ty nhằm có sự hỗ trợ và khuyến khích phù hợp.

Ngay cả khi đã cùng hướng đến những mục tiêu chung trong quá trình làm việc, nhân viên và các nhà lãnh đạo cũng có thể có những quan điểm khác nhau. Vì vậy, việc nhà quản trị thường xuyên chủ động trao đổi với nhân viên không chỉ giúp giữ chân nhân tài mà còn giúp doanh nghiệp phát triển. 

Xem thêm: 5 xu hướng ngành HR cần lưu ý trong năm 2023

Xem thêm: 5WHYS – KỸ NĂNG TÌM RA CỐT LÕI VẤN ĐỀ

Xem thêm: Top 5 kế hoạch cho năm mới bạn nên thử trong công việc

Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!