Trong công việc, giúp đỡ nhau là chuyện tương đối bình thường. Tuy nhiên, không khó để thấy những người dù đang bận rộn, nhiều việc cần phải hoàn thành nhưng họ vẫn đồng ý với những lời đề nghị giúp đỡ vì không dám từ chối. “Being nice doesn’t mean being a Yes man”. Nếu bạn luôn nói Yes với tất cả lời đề nghị, nhờ vả thì bạn sẽ chẳng bao giờ có đủ thời gian và làm tốt việc của mình. Trong môi trường công sở, ngoài việc biết từ chối bạn còn phải học kỹ năng để từ chối mà không khiến người khác phật lòng hoặc bạn cảm thấy áy náy.

1/ Thay đổi suy nghĩ về việc từ chối

Mọi người thường có suy nghĩ rằng họ sẽ bỏ lỡ cơ hội thăng tiến nào đó nếu từ chối một nhiệm vụ được giao. Vì vậy, vấn đề sẽ được giải quyết nếu bạn thay đổi suy nghĩ của chính mình. Việc từ chối một nhiệm vụ không đồng nghĩa với việc bạn lười nhác trong công việc hay không có tinh thần hỗ trợ mọi người. Lời từ chối là cần thiết trong lúc bạn đang bận rộn với hàng tá công việc của mình. Hãy suy nghĩ rằng từ bỏ một số công việc không quan trọng với mình là một cách giúp bạn tiết kiệm thời gian để tập trung vào những mục tiêu quan trọng hơn. Hiểu rõ bản thân để quyết định việc nào cần ưu tiên sẽ là một yếu tố quan trọng để đạt hiệu quả tốt trong công việc.

2/ Đừng vội vàng nói “Không” ngay câu đầu tiên

Nếu bạn từ chối không tinh tế và khéo léo thì rất dễ làm tổn thương tới thể diện và lòng tự trọng của đồng nghiệp. Và nếu bạn ngay lập tức nói “không được” trước lời đề nghị giúp đỡ của đồng nghiệp thì họ sẽ cảm thấy xấu hổ, thậm chí điều này còn khiến những cuộc giao tiếp sau này của bạn và họ trở nên lúng túng. Trước hết, bạn cần tôn trọng đối phương bằng việc lắng nghe vấn đề của họ. Sau đó, suy nghĩ kỹ và cân nhắc tất cả các khía cạnh để tránh rơi vào tình trạng ôm đồm, việc mình thì chưa xong mà việc được nhờ cũng lỡ dở. Cuối cùng, khi quyết định từ chối, hãy dùng lời lẽ khéo léo, chân thành bày tỏ rằng bạn cũng không đủ khả năng để giải quyết vấn đề đó. Tuyệt đối đừng từ chối bằng những lời hạ thấp năng lực của đồng nghiệp để không làm mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn.

3/ Đề xuất giải pháp thay thế  

Đôi khi, người trong cuộc không thể thấy hết được vấn đề và cách nhìn sáng suốt như người ngoài. Vì vậy nếu được, hãy gợi ý cho đồng nghiệp những giải pháp thay thế để lời từ chối của bạn thêm phần thuyết phục. Vì việc đưa ra lời khuyên hay đề xuất những giải pháp thay thế thể hiện bạn vẫn quan tâm tới sự nhờ cậy đó và làm cho đồng nghiệp cảm thấy dễ chịu ngay cả khi bạn không đồng ý giúp đỡ.

4/ Loại bỏ cảm giác tội lỗi

Thực tế, bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn giữa việc “giúp đỡ” hay “không giúp đỡ” nếu lời đề nghị không phải trách nhiệm và nhiệm vụ của bạn. Đừng cảm thấy tội lỗi khi từ chối vì nếu bạn chấp nhận lời nhờ vả công việc nhưng thực tế bản thân lại không có đủ thời gian, khả năng, nguồn lực để đảm bảo thực hiện nó hiệu quả, khi đó bạn mới thật sự có lỗi khi gây ảnh hưởng trực tiếp đến người đã tin tưởng nhờ bạn.

Tinh thần giúp đỡ lẫn nhau trong công việc là một điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, bạn cần suy nghĩ kỹ và cân nhắc hoàn cảnh của bản thân để không ảnh hưởng đến chính mình và người khác. Biết từ chối và nói “Không” một cách khéo léo cũng là một trong những kỹ năng để thành công.

Xem thêm: Multitasking và 5 cách cải thiện kỹ năng làm việc đa nhiệm

Xem thêm: “Bệnh” trì hoãn – chướng ngại vật khó nhằn trên đường đến thành công

Xem thêm: 5 kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả

Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!