Nhiều bạn trẻ đã vô tình sử dụng một loại “thuốc an thần” đáng sợ mang tên nỗ lực ảo nhằm nhất thời xoa dịu nỗi sợ hãi về tương lai hay những áp lực đồng trang lứa của bản thân. Nhưng đằng sau tác dụng làm giảm bớt căng thẳng, lo âu là những hệ lụy khôn lường của “liều thuốc” này.

I/ Nỗ lực nhưng “ảo”?

Nỗ lực là sự cố gắng hết sức, kiên trì và chăm chỉ để theo đuổi, thực hiện những mục tiêu, kế hoạch mà bản thân đặt ra. Những nỗ lực này trở thành “ảo” khi đó chỉ là cảm giác của bạn vì thực tế nó không mang lại hiệu quả thực sự. Ví dụ bạn đặt ra rất nhiều mục tiêu, vô số việc cần phải làm nhưng thay vì cố gắng kiên trì để hoàn thành kế hoạch thì bạn lại trì hoãn, xao nhãng rồi đưa ra các mục tiêu mới và cứ tiếp tục như một vòng lặp tạo cho bạn cảm giác mình đã làm rất nhiều việc. 

II/ Một số biểu hiện cho thấy bạn đang chìm vào nỗ lực ảo

  • Đặt mục tiêu nhưng không hoàn thành nó: Đây là biểu hiện gặp nhiều nhất ở các đối tượng đang mắc chứng nỗ lực ảo. Có một khoảnh khắc bạn cảm thấy bản thân cần phải thay đổi để trở nên tốt hơn vì vậy bạn quyết tâm đặt ra mục tiêu cho bản thân, lên kế hoạch, thời gian biểu,… mọi thứ dường như rất hoàn chỉnh và hiệu quả nhưng lại không hoàn thành được cái nào thậm chí còn không bao giờ thực hiện. Và sau vài ngày hay vài tuần thì những động lực, tham vọng ban đầu đã hoàn toàn biến mất.
  • Tham gia nhiều hội nhóm học tập, nghe nhiều bài diễn thuyết hay, lưu nhiều thông tin, tài liệu hữu ích nhưng không bao giờ áp dụng, hay mở ra xem lại: Khi nhìn thấy một nhóm học tập, một buổi diễn thuyết bạn đều không ngần ngại mà tham gia ngay lập tức, nhưng sau đó lại không tiếp tục theo dõi, học hỏi hay áp dụng những gì được người khác chia sẻ. Bạn lưu rất nhiều tài liệu, thông tin hữu ích mà bạn vô tình thấy được nhưng rồi lại vứt xó không mở ra xem và lãng quên mãi mãi. 
  • Bao dung cho những thói xấu của bản thân: Nuông chiều sự lười nhác, trì hoãn của bản thân, dành quá nhiều thời gian cho các trang mạng xã hội và những nội dung không cần thiết. Khi kế hoạch bị lệch tiến độ vì sự lười biếng của bạn thì ngay sau đó liền bỏ ngang và tự “thôi miên” tâm trí rằng lần sau làm lại vậy. Biết rằng mình có deadline cần hoàn thành nhưng dửng dưng, trì hoãn đến ngày cuối hoặc sát hạn mới cuống cuồng làm.

III/ Những biện pháp cai “thuốc an thần” nỗ lực ảo

Thứ nhất, đặt mục tiêu phù hợp với năng lực và thời gian của bản thân ở hiện tại. Nên chia nhỏ các mục tiêu, dần dần hình thành thói quen từ những mục tiêu nhỏ rồi mới tới các kế hoạch lâu dài. Định vị bản thân bằng những phương pháp ví dụ như SWOT (Strengths – Weaknesses – Opportunities – Threats) nhằm nhận ra thế mạnh, điểm yếu, vị trí của bản thân và đưa ra các mục tiêu phù hợp với năng lực để không bị quá sức dẫn tới chán nản hoặc trì hoãn.

Thứ hai, tìm cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả nhất. Thay vì đốt thời gian để lướt mạng xã hội vô ích thì hãy khiến việc sử dụng mạng xã hội trở nên hiệu quả hơn bằng cách tận dụng nguồn thông tin vô tận của nó để mở mang đầu óc và thử tự phân tích những vấn đề bạn vô tình gặp trên mạng bằng góc nhìn đa chiều. Ngoài ra, bạn vẫn có thể dùng mạng xã hội để giải trí với hình thức như là một phần thưởng sau khi hoàn thành mục tiêu nào đó trong ngày.

Xem thêm: 4 Kỹ năng Networking hiệu quả

Xem thêm: Kỹ năng giao tiếp Phần 1

Thứ ba, xây dựng thói quen tốt và nghiêm khắc với bản thân. Hãy luôn cải thiện bản thân mỗi ngày để trở thành phiên bản tốt nhất của mình, khi đó bạn sẽ càng tự tin hơn với những thử thách mới. Nghiêm khắc với bản thân là điều bắt buộc để những nỗ lực thực sự mang lại hiệu quả, không chiều theo ý nghĩ trì hoãn, “để mai làm” của chính mình. 

Nỗ lực ảo dù dễ mắc phải nhưng cũng dễ khắc phục nếu bạn nhận ra và đủ quyết tâm. Người trẻ chúng ta còn được gọi là những “tỷ phú thời gian” nên không bao giờ là muộn khi bạn nỗ lực thực sự, muộn là khi bạn đã nhận ra nhưng vẫn tiếp tục thiêu đốt thời gian của mình vào “liều thuốc an thần” mang tên nỗ lực ảo.

Đừng quên, Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!

Xem thêm: Comfort Zone – Khi nào bạn cần nhảy khỏi vùng an toàn