Phỏng vấn được xem là cánh cửa quan trọng bạn phải vượt qua để có được công việc mình mong muốn. Thật đáng tiếc nếu bạn mắc lỗi và vụt mất cơ hội ngay trong buổi phỏng vấn. Nắm rõ 5 sai lầm cần tránh sau đây để buổi phỏng vấn của bạn tốt nhất có thể.

Không có sự chuẩn bị cho buổi phỏng vấn

Benjamin Franklin từng nói: “Thất bại trong việc chuẩn bị cũng có nghĩa là chuẩn bị thất bại.” Nếu bạn không chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn, việc liên tục ngập ngừng, lúng túng trước những câu hỏi liên quan đến công ty, vị trí ứng tuyển chắc chắn sẽ xảy ra trong buổi phỏng vấn. Và không một nhà tuyển dụng nào đánh giá cao điều này. Việc bạn không tìm hiểu thông tin gì về công ty sẽ khiến người phỏng vấn cảm thấy bạn không thực sự nghiêm túc với vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển. 

Hãy dành thời gian tìm hiểu thật kỹ về công ty, vị trí mà bạn ứng tuyển, về lĩnh vực làm việc của công ty, văn hóa doanh nghiệp, bề dày truyền thống, thành tựu,…Những thông tin này chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong buổi phỏng vấn.

Đến muộn

Đúng giờ luôn là yếu tố quan trọng trong mọi trường hợp. Nếu đến cả buổi phỏng vấn mà bạn cũng trễ giờ, nhà tuyển dụng sẽ không thể tin tưởng mà giao việc cho bạn. Bên cạnh đó, việc đến trễ cũng sẽ làm bạn mất bình tĩnh và hấp tấp hơn. Ngược lại, nếu bạn đến sớm hoặc đúng giờ, bạn sẽ có thời gian lấy lại sự bình tĩnh và có được tinh thần tốt nhất trước khi bước vào phỏng vấn. Để tránh đến muộn, bạn nên tìm hiểu trước đường đi và thời gian tới đó. Hãy đảm bảo bạn vẫn có dư thời gian phòng trường hợp xảy ra việc ngoài ý muốn.

Trang phục không phù hợp

Vẻ bề ngoài chỉn chu trong buổi phỏng vấn có thể giúp nhà tuyển dụng đánh giá một phần nào đó về tính cách của bạn. Ăn mặc nhếch nhác hay quá cầu kỳ có thể khiến cho nhà tuyển dụng âm thầm trừ điểm. Việc lựa chọn trang phục không phù hợp, cẩu thả tạo cảm giác bạn không tôn trọng người phỏng vấn, không tôn trọng công ty. Vì vậy, hãy cẩn thận trong xem xét vị trí công việc, lĩnh vực, văn hóa doanh nghiệp để lựa chọn trang phục của mình cho thật phù hợp. 

Chia sẻ những thông tin tiêu cực về công ty cũ, đồng nghiệp cũ

Việc chê bai, nói xấu công ty cũ, sếp cũ hay đồng nghiệp cũ sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy nghi ngờ về thái độ làm việc của bạn. Họ sẽ nghĩ bạn là một người hay đưa chuyện và chắc chắn họ không hề muốn nhận một người như vậy vào làm việc vì biết đâu bạn cũng nói xấu về công ty họ khi bạn chuyển chỗ làm. Hãy cố gắng trả lời bằng những lý do tế nhị, nói giảm nói tránh nếu bạn được hỏi chi tiết về nguyên nhân khiến bạn chuyển công việc hoặc mong muốn của bạn đối với vị trí mới. Ví dụ như “Công ty cũ không thích hợp với tôi, tuy nhiên, tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm ở đó” hay “Tôi đang tìm kiếm một môi trường làm việc mới, có thể thử thách bản thân nhiều hơn và cải thiện chính mình”.

Sử dụng cụm từ “chúng tôi” quá nhiều

Một sai lầm phổ biến là các ứng viên chia sẻ thành tích của họ đã đạt được bằng cụm từ “chúng tôi” quá nhiều lần. Điều này tuy chỉ là tiểu tiết nhưng nó có thể khiến người phỏng vấn nghĩ rằng ứng viên này đang “nhận vơ” công lao của một dự án mà họ chỉ tham gia một phần nhỏ. Thay vào đó, hãy làm nổi bật những thành tích của bạn và vai trò của bạn trong những thành công đó một cách trung thực với từ “tôi”.

Không ai có thể chắc chắn rằng mình sẽ thành công ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên. Nhưng luôn hãy nhìn nhận những sai lầm đã mắc phải, rút kinh nghiệm và tiếp tục nắm lấy cơ hội tiếp theo.

Xem thêm: Mô hình Kanban – Tối ưu hóa quy trình quản lý công việc

Xem thêm: Mono-tasking: Phương pháp làm việc đối lập với Multi-tasking

Xem thêm: Hustle Culture – Văn hóa hối hả khó lường của giới trẻ
Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!