Hybrid Work đã không còn là khái niệm xa lạ, thậm chí đây lại là mô hình làm việc rất hấp dẫn đối với thế hệ lao động hiện nay. Thay vì phải dành 100% thời gian tại công ty, cố định từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày, Hybrid Work cho phép nhân viên có thể linh hoạt làm việc tại khung thời gian họ đạt năng suất cao nhất. Tuy nhiên để áp dụng mô hình này hiệu quả nhất, doanh nghiệp cần triển khai đúng người, đúng quy trình và đúng công nghệ. Sau đây là một số điều cần lưu ý khi chuyển sang mô hình làm việc kết hợp.

1. Giải quyết những nghi vấn trước khi áp dụng

Trước khi muốn áp dụng mô hình Hybrid Work, chắc hẳn các doanh nghiệp sẽ đặt ra rất nhiều nghi vấn. Để rõ ràng và hoạch định được những phương pháp, chính sách hợp lý nhất thì chính doanh nghiệp phải tự mình tìm ra câu trả lời cho những nghi vấn này. Các câu hỏi về mô hình làm việc kết hợp mà nhà quản trị cần giải quyết là:

  • Mô hình này có tác động như thế nào đến năng suất làm việc?
  • Mô hình này có ảnh hưởng đến việc tuyển dụng và giữ chân nhân viên không?
  • Văn hóa doanh nghiệp bị ảnh hưởng như thế nào?
  • Đâu là những khó khăn bắt buộc phải đối mặt khi triển khai mô hình này?

Sau khi trả lời những câu hỏi trên, người lãnh đạo đã có được cái nhìn toàn diện để bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển mô hình Hybrid Work vào doanh nghiệp của mình.

2. Công nghệ và cơ sở hạ tầng hỗ trợ

Công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong mô hình làm việc Hybrid. Đầu tư vào công nghệ như hệ thống quản lý, công cụ liên lạc từ xa, thiết bị hội họp tại chỗ,… sẽ giúp nhân viên có thể cùng nhau hoàn thành công việc một cách dễ dàng. Xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ linh hoạt theo hướng công nghệ hóacách tốt nhất để tổ chức thực hiện và duy trì mô hình làm việc kết hợp. Một số phương pháp doanh nghiệp có thể cân nhắc như:

  • Hỗ trợ, đào tạo nhân viên sử dụng đầy đủ công nghệ sẵn có.
  • Kết hợp nhiều công cụ, nền tảng để đảm bảo giao tiếp linh hoạt, nhanh chóng.
  • Đưa ra các biện pháp bảo mật hệ thống và dữ liệu phù hợp.

3. Yếu tố pháp lý

Khi triển khai mô hình làm việc mới doanh nghiệp cũng cần hợp pháp hóa hình thức, đưa các điều khoản vào hợp đồng lao động và các thông tin tuyển dụng. Dù làm việc từ xa, doanh nghiệp vẫn cần đảm bảo quyền lợi về sức khỏe, sự an toàn và phúc lợi của nhân viên. Rõ ràng, minh bạch những quy định về KPI, nghỉ phép và tình trạng sức khỏe thể chất, tinh thần của nhân viên. Một số khoản phụ cấp như chi phí đi lại, ăn trưa có thể điều chỉnh nhưng vẫn phải đảm bảo mức lương, phúc lợi, bảo hiểm và thuế cho nhân viên. 

4. Quản lý hiệu suất

Khi mới bắt đầu chuyển sang mô hình Hybrid Work, việc đánh giá hiệu suất của nhân viên có thể khá khó khăn, công việc sẽ tạm thời bị gián đoạn trong một khoảng thời gian. Vì không thể đánh giá nhân viên qua thời gian làm việc ở văn phòng, máy chấm công hay điểm danh trên cuộc họp ảo,… nên doanh nghiệp phải nhìn nhận hiệu suất thông qua kết quả, những đóng góp, giá trị của nhân viên khi làm việc theo mô hình kết hợp. Những số yếu tố cần nhà quản trị thường xuyên theo dõi là đầu ra, mục tiêu, kết quả và cân nhắc về hệ thống, quy trình quản lý, văn hóa doanh nghiệp, cơ chế khen thưởng, xử phạt. Sau đó xem xét điều chỉnh phù hợp với bối cảnh và tình trạng của công ty.

5. Đánh giá và thu thập phản hồi liên tục

Để xây dựng một môi trường làm việc Hybrid lý tưởng cho công ty của mình, hãy tìm hiểu nhu cầu của nhân viên bằng cách thu thập phản hồi của họ. Cung cấp nhiều phương thức để nhân viên chia sẻ suy nghĩ của họ như một kênh hỗ trợ dành riêng cho Hybrid Work hoặc gửi khảo sát phản hồi hàng quý cho nhân viên. Việc thu thập phản hồi này sẽ giúp doanh nghiệp biết phải điều chỉnh ở đâu để xây dựng một mô hình làm việc giúp mọi người sẵn sàng đón nhận và giữ động lực làm việc một cách tốt nhất.

Mô hình Hybrid Work tạo ra môi trường làm việc an toàn, linh hoạt, tiết kiệm và hiệu quả theo xu hướng phát triển tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, hãy xây dựng chiến lược phù hợp và liên tục điều chỉnh để mô hình làm việc kết hợp được phát huy tối đa lợi ích và hạn chế tối thiểu những bất lợi của nó. 

Xem thêm: Học cách từ chối – Kỹ năng xử lý vấn đề nơi công sở

Xem thêm: Self-leadership: Trở thành nhà lãnh đạo của chính cuộc đời mình

Xem thêm: 5 kỹ năng làm việc nhóm hiệu quảFollow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!