“Hustle culture” khiến nhiều người tin rằng mục đích quan trọng nhất của cuộc đời là đạt thành tựu lớn trong sự nghiệp bằng cách lao động không ngừng nghỉ. Và lối sống này đang hiện hữu thường trực tới mức bạn rất khó để nhận ra mình đang là một phần của nó hay không.

I/ Định nghĩa của “Hustle culture” 

Lối sống hối hả (Hustle culture) có một khái niệm lý tưởng rằng công việc được đặt lên hàng đầu, còn những khía cạnh của cuộc sống như sở thích, gia đình, bản thân phải nhường vị trí ưu tiên cho công việc và tất nhiên sự lười biếng hay trì hoãn hoàn toàn không được chấp nhận.

Các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng sự gia tăng của xu hướng làm việc quá sức này có thể là hậu quả của sự gia tăng nền kinh tế và mô hình làm việc từ xa, khiến cho ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân bị xóa nhòa.

II/ Tác hại từ “Hustle culture” 

Lối sống làm việc hối hả làm cho người lao động sống với quan điểm rằng nghỉ ngơi đồng nghĩa với rảnh rỗi và họ sẽ không thể gặt hái thành công nếu nghỉ ngơi thay vì làm việc. Hậu quả là người lao động trở nên kiệt sức vì phải đánh đổi sức khỏe, tệ hơn là lao lực vì chịu đựng áp lực công việc trong thời gian dài.

“Hustle culture” tạo ra một môi trường độc hại, áp lực khiến những người bị cuốn vào lối sống này phải làm việc liên tục, khiến họ cảm thấy không bao giờ được phép từ chối bất kỳ cơ hội nào. Nhưng đó không phải là một quan niệm đúng đắn và nó khác với việc bạn đang cố gắng để làm việc chăm chỉ.

Lối sống này đã thay đổi quan điểm của nhiều người về làm việc quá giờ vì họ mang niềm tin rằng “càng bận thì càng tốt”, việc thường xuyên bận rộn sẽ đem lại tiền bạc, địa vị, hạnh phúc và lòng tự trọng cao.

III/ Thoát khỏi “Hustle culture”

Để thoát khỏi vòng xoáy của lối sống làm việc hối hả có thể rất khó khăn nhưng những thay đổi nhỏ trong việc cân bằng cuộc sống và tạo nên những thói quen mới sẽ giúp ích rất nhiều.

Lên kế hoạch nghỉ ngơi và giải trí

Luôn hỏi bản thân rằng liệu lịch trình hiện tại có đang quá tải? Và nó có đáng để bạn hy sinh một đêm ngon giấc, một buổi đi chơi với bạn bè, hay đơn giản là 30 phút để thư giãn? Việc phải liên tục bận rộn sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe tinh thần, hãy dành thời gian nghỉ giải lao trong ngày để làm những việc yêu thích, như đọc một cuốn sách không liên quan tới công việc, học chơi một nhạc cụ mới, đi chơi với bạn bè và gia đình. Dành thời gian cho bản thân sẽ giúp bạn nhận ra những điều quan trọng nhất với mình và sự tương tác xã hội sẽ giúp cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, thú vị hơn. 

Đặt ra giới hạn rõ ràng

Hãy tự đặt giới hạn làm việc cho riêng mình như khoảng thời gian nào bạn không tiện trả lời email hoặc những ca nghỉ giữa ngày,…và chia sẻ nó với sếp và đồng nghiệp. Việc thảo luận trước những vấn đề này sẽ khiến cho lãnh đạo và đồng nghiệp biết khung giờ  làm việc của bạn, hạn chế xâm phạm đến giới hạn cuộc sống cá nhân và giảm thiểu xung đột. 

Thay đổi quan điểm về “thành công” 

Việc chạy theo lối sống hối hả sẽ khiến chúng ta dễ dàng ưu tiên mọi thứ trong công việc ngoại trừ bản thân. Thành công trong sự nghiệp nhưng kiệt quệ về cả mặt cảm xúc lẫn thể chất, lo lắng hoặc trầm cảm, gặp khó khăn trong việc lắng nghe và chăm sóc người khác, bỏ quên gia đình, bạn bè, tình cảm thì đó có thực sự là “thành công” hay không. Hãy sống chậm lại, nhìn nhận và cân bằng lại cuộc sống của chính mình.

Để bảo vệ bản thân trước vòng xoáy công việc, mỗi người nên học cách nhìn nhận được giới hạn của bản thân, tránh để rơi vào chiếc bẫy “Hustle culture”. Biết cân bằng công việc và cuộc sống sẽ giúp bạn luôn tạo ra niềm vui trong công việc, duy trì được đam mê bền vững hơn. 

Xem thêm: Học cách từ chối – Kỹ năng xử lý vấn đề nơi công sở

Xem thêm: Self-leadership: Trở thành nhà lãnh đạo của chính cuộc đời mình

Xem thêm: 5 kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả

Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!